Sinh hoạt Ngày pháp luật định kỳ (tháng 6): Giới thiệu Luật Phòng, chống ma túy

Trên tinh thần hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” (26/6). Trường ngày 20/6/2022, Trường tiểu học Bình Nhâm đã tổ chức sinh hoạt Ngày pháp luật trong tháng 6 với chủ đề Giới thiệu Luật Phòng, chống ma túy nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm cho Cán bộ, công chức, viên chức để từng bước xây dựng môi trường sống lành mạnh, thân thiện.

t6

Ngày 30/3/2021, Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 11 đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 (Luật số 73/2021/QH14). Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 gồm có 8 chương và 55 điều. Theo đó, Phòng, chống ma túy là phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Luật quy định rất rõ các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến ma túy tại Điều 5 và quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình (Điều 6), cơ sở giáo dục (Điều 8). Theo Điều 28, có 2 biện pháp cai nghiện ma túy bao gồm: cai nghiện ma túy tự nguyện và cai nghiện ma túy bắt buộc. Biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy; biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc được thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

t6s

Quy trình cai nghiện ma túy bao gồm các giai đoạn sau đây:

– Tiếp nhận, phân loại;

– Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác;

– Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách;

– Lao động trị liệu, học nghề;

– Chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.

Việc cai nghiện ma túy bắt buộc phải bảo đảm đầy đủ các giai đoạn nêu trên. Thời hạn cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là từ đủ 06 tháng đến 12 tháng. Thời hạn cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy là từ đủ 06 tháng đến 12 tháng. Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy khi hoàn thành ít nhất 03 giai đoạn theo quy định được hỗ trợ kinh phí.

Hiện nay, tỉ lệ học sinh, sinh viên bị nghiện ma túy đang ngày càng gia tăng và nhiều học sinh, kể cả các bậc phụ huynh không biết được các hình thức trá hình của ma túy. Điều này dễ dẫn đến việc các em rơi vào con đường nghiện ma túy mà chính bản thân mình cũng không biết được. Do đó, với sự đa dạng và phức tạp các loại hình ma túy như hiện nay, đòi hỏi các cá nhân, tổ chức, gia đình cần có sự nhận thức rõ ràng, đúng đắn hơn về ma túy để bảo vệ chính bản thân cũng như gia đình và toàn xã hội, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh. Đồng thời, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong việc quản lý, giáo dục, phối hợp và ngăn chặn các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến ma túy cũng ngày càng có nhiều đòi hỏi phải thực hiện một cách triệt để, nghiêm túc và đồng bộ, cơ chế phối hợp với các ngành liên quan cũng được đặt ra để từng bước đẩy lùi và xóa bỏ tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội. Việc ngăn chặn và xóa bỏ được tệ nạn ma túy sẽ góp phần phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ được mầm non tương lai của đất nước (thế hệ trẻ) là góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu./.